Thông tin du lịch về Cà Mau
1. Điều kiện tự nhiên và xã hội
Cà Mau là tỉnh thuộc châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, nằm về phía cực Nam của Việt Nam, hình dạng giống chữ V, như một bán đảo có 3 mặt giáp với biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông và Đông Nam giáp với Biển Đông, phía Tây giáp với vịnh Thái Lan. Diện tích tự nhiên 5.211 km2, địa hình bằng phẳng thuần nhất là đồng bằng, đất đai phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt. Hàng năm ở phía Tây vùng Mũi Cà Mau bồi ra biển trên 50 mét. Ngoài biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Bương và Hòn Đá Bạc. Khí hậu Cà Mau ôn hoà thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, không bị ảnh hưởng của lũ và ít có bão.
Cà Mau giàu tài nguyên về rừng và biển. Hệ sinh thái rừng ngập nước có diện tích gần 100.000 ha được chia thành 2 vùng: rừng ngập lợ với đặc trưng cây tràm là chủ yếu nằm sâu trong đất liền ở vùng U Minh hạ; ngập mặn với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở vùng Mũi Cà Mau và ven biển; trong rừng có nhiều loài động vật, thực vật phong phú với trữ lượng lớn là đặc sản của rừng ngập nước. Rừng Cà Mau trở thành nổi tiếng trên thế giới và chỉ đứng sau rừng ngập mặn ở Cửa sông Amazôn (Brazil). Bờ biển Cà Mau dài 254 km chạy từ phía biển Đông sang vịnh Thái Lan, bờ biển thấp, nền đất yếu và bằng phẳng. Diện tích vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km2, độ sâu trung bình từ 30 đến 35 mét; trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn, có khả năng khai thác trong nhiều năm. Biển Cà Mau có vị trí trung tâm đường biển trong vùng Đông Nam Á và sát với đường biển quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Do có vị trí địa lý tiền tiêu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu thuận lợi... tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt và dầu khí.
Dân số Cà Mau có 1.200.000 người, phân bố tương đối đều, mật độ trung bình 230 người/km2, người Kinh chiếm 97% dân số, còn lại là người Khơmer, người Hoa và một số dân tộc ít người khác. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 60%, đa số là lao động trẻ, cần cù, có thể đáp ứng nhu cầu cho nhiều lĩnh vực. Địa giới hành chính được chia thành 8 huyện và 1 thành phố, có 89 xã, phường, thị trấn. Thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ nằm trên trục quốc lộ IA và quốc lộ 63 có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng. Nhịp độ phát triển đô thị của Cà Mau khá nhanh; mấy chục năm trước từ là thị xã bé nhỏ, nay Cà Mau là thành phố; thị trấn Năm Căn, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, cửa biển Khánh Hội, ông Trang, Rạch gốc, Gành Hào... cũng đang hình thành dáng dấp đô thị sầm uất của dải hành lang đô thị ven biển.
2- Lịch sử, văn hóa tỉnh Cà Mau
Nguồn gốc xa xưa Cà Mau là vùng đất hoang vu, rừng rậm, mặt đất ẩm thấp, thiếu nước ngọt, ruộng nhiều phèn, nhiều muỗi vắt nên vắng người sinh sống. Đến cuối thế kỷ 17 Cà Mau là mảnh đất cuối cùng trên con đường của người Việt chinh phục hoang vu mở mang bờ cõi. Năm 1680 một số ấp ở ven sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Gành Hào được hình thành. Năm 1714 Mạc Cửu dâng phần đất Cà Mau cho chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tứ là con Mạc Cửu vâng lệnh triều đình lập ra đạo Long Xuyên mang tính chất quân sự để cai quản. Năm 1882 Cà Mau tách khỏi Rạch Giá, Bạc Liêu tách khỏi Sóc Trăng thành lập ra tỉnh Bạc Liêu, đây là hạt thứ 21 của Nam kỳ thuộc địa. Sau nhiều lần thay đổi địa giới và tên tỉnh, đến đầu năm 1976 Cà Mau-Bạc Liêu được đổi tên là tỉnh Minh Hải. Đến cuối năm 1996 Minh Hải lại tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Những người tiên phong khai hoang mở đất thuở đó là ai - đó là người Kinh quê ở miền Bắc, miền Trung khát khao sống tự do, không chịu khuất phục cường quyền, bạo lực; là nạn nhân của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn muốn tìm mảnh đất sống yên thân; là những chiêu mộ của các nhà giàu có đưa vào khai hoang lập ấp; là những binh lính, tội đồ ... những người Hoa, Khơmer nghèo khổ lưu lạc dừng chân tại nơi đây. Tất cả những con người rời quê bất chấp khó khăn, băng ngàn vượt biển vào Nam tìm nơi sinh cơ lạc nghiệp, gọi chung là dân lưu tán. Việc biến những khu rừng bạt ngàn âm u, ngập mặn nhiều phèn thành cánh đồng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh, nghĩa là các thế hệ đi trước đã can đảm vật lộn với thiên nhiên, thú dữ, muỗi vắt, bao nhiêu mồ hôi nước mắt và cả máu đổ ra để tạo thành nơi sinh sống lý tưởng như ngày nay.
Con người Cà Mau chất phác, mến khách, trọng nghĩa tình; giàu tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ trước những năm 30 ở Cà Mau đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân chống lại địa chủ, hương quản cướp bóc ruộng đất. Năm 1930 các chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập để lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức. Hưởng ứng cuộc khởi nghiã Nam Kỳ, năm 1940 Tỉnh ủy Cà Mau đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi vào trang vẻ vang của tỉnh. Từ đó ngày khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12 trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ, quân dân tỉnh Cà Mau.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Cà Mau là quê hương căn cứ địa cách mạng kiên cường, đã tổ chức hàng nghìn trận đánh và chống càn chặn địch, nổi tiếng như mặt trận Tân Hưng, chiến thắng Nhị Nguyệt, chiến thắng Mương Điều v.v.. thời chống Pháp. Đánh tiêu diệt chi khu Đầm Dơi, Chi khu Cái Nước, cứ điểm Chà Là, tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, đánh vào tận sào huyệt của địch tại thị xã Cà Mau và cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc 20 năm chống Mỹ cứu nước.
Tỉnh Cà Mau có 45 tập thể, 21 cá nhân được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, 507 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 10.836 thương binh và 16.000 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với sự phấn đấu hy sinh to lớn của Đảng bộ và quân dân Cà Mau trong 2 cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước đã tặng thưởng cho tỉnh Huân chương Sao Vàng.
Địa bàn Cà Mau từng là nơi hoạt động của nhiều đồng chí cách mạng tiền bối như Lê Duẩn, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt v.v.. là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị vùng Tây Nam bộ. Mảnh đất này đã sản sinh ra những tấm gương anh hùng tiêu biểu như: Trần Văn Thời, Phan Ngọc Hiển, Lâm Thành Mậu, Nguyễn Việt Khái, Hồ Thị Kỷ, Lý Văn Lâm v.v... Mũi Cà Mau còn là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược của đường Hồ Chí Minh trên biển, đến nay còn để lại sự huyền bí về ý chí oai hùng và sứ mệnh lịch của những "con tàu không số" mà người anh hùng Bông Văn Dĩa của Cà Mau trở thành tiêu biểu. Trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc Cà Mau lập nên chiến công CM 12 vào năm 1984, phá tan kế hoạch xâm nhập của tổ chức phản động ở nước ngoài do bọn Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu. Những chiến công và tấm gương đó đi vào lịch sử là niềm tự hào mãi mãi của quê hương Cà Mau.
Sắc thái văn hóa của Cà Mau có sự dung hòa đa dạng và phong phú do được tiếp thu của nhiều nền, nhiều miền văn hóa, nhiều tôn giáo khác nhau. Những tập quán, thuần phong mỹ tục của người Kinh là chủ đạo có ảnh hưởng qua lại với người Khơme, người Hoa tạo nên sự hài hòa chung cho nhiều dân tộc. Do đặc điểm sống ở vùng sông nước, rừng biển sâu xa nên loại hình đàn ca cải lương trở thành nếp sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong nhân dân; miền đất này còn xuất hiện truyện cười dân gian của Bác Ba Phi đầy huyền thoại; hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Sông Đốc và một số lễ hội dân gian khác.
Những địa danh lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh có sức thu hút du khách như Mũi Cà Mau, đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, rừng đước Năm Căn, rừng tràm U Minh hạ, bãi Khai Long, Giá Lồng đèn, các sân chim, công viên Văn hóa, đầm Thị Tường v.v.. Tên tuổi của những danh nhân văn hóa như nhà giáo Phan Ngọc Hiển, nhà báo Nguyễn Mai, bác Ba Phi, v.v..đã để lại trong lòng người sự mến yêu, ngưỡng mộ về cảnh vật hữu tình, con người dũng khí của đất Cà Mau.
3- Thành tựu và định hướng phát triển
Thành tựu nổi bật của Cà Mau những năm đổi mới là nhịp độ tăng trưởng kinh tế không ngừng phát triển. Tổng giá trị sản phẩm (GDP) giai đoạn 1991 - 2000 tăng 7,75%/năm; giai đoạn 2001 - 2004 tăng 10,19%/năm. Đến năm 2004 cơ cấu kinh tế: nông-ngư nghiệp 54,12%, công nghiệp-xây dựng 23,74%, dịch vụ 22,14%. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tỷ trọng kinh tế thủy sản chiếm 80,49%, là ngành kinh tế quan trọng nhất của tỉnh.
Những chỉ tiêu cơ bản của tỉnh Cà Mau đạt được đến năm 2004 đều có mức tăng trưởng cao ở giai đoạn 2001-2004: giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19%/năm; giá trị sản xuất ngư-nông nghiệp tăng bình quân 5%/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 14,5%/năm. Thu ngân sách tăng bình quân 20% năm. Sản lượng tôm đạt 91.100 tấn, tăng 85% so với năm 2000; kim ngạch xuất khẩu đạt 456 triệu USD, tăng 96,55% so với năm 2000.
Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư phát triển như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, xây dựng trường học, bệnh viện, lưới điện, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường v.v.. làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn. Đời sống dân cư không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2004 tương đương 520 USD, tăng 48% so với năm 2000. Mức sống dân cư đến cuối năm 2004 đã có 15% hộ giàu, 32% hộ khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,8%. Nhà ở của dân cư được xây dựng, sửa sang khang trang hơn, nhà kiên cố chiếm 13,96%, bán kiên cố 52,33%, nhà đơn sơ và nhà tạm 33,72%; so với năm 1999 tỷ lệ nhà kiên cố tăng 3,5 lần, giảm 15% nhà đơn sơ, nhà tạm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 72%; điện thoại đạt 10 máy/100 dân, tăng nhiều lần so với 5 năm trở lại đây.
Tỉnh tích cực áp dụng các chính sách thông thoáng, khuyến khích ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Đến nay trong tỉnh đã có trên 2.100 doanh nghiệp với số vốn đăng ký kinh doanh trên 2.000 tỷ đồng; kinh tế tập thể, kinh tế trang trại cũng đang phát triển, mở rộng mô hình hoạt động. Các thành phần kinh tế đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2004, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 2.650 tỷ đồng, tăng trung bình 15%/năm; dự án Khí-Điện-Đạm và một số dự án khác của Trung ương được xây dựng trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn đang là động lực thu hút vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, nhân dân hăng hái tham gia phong trào xã hội hóa về giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; những hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc được chăm lo. Tỷ lệ người biết chữ đạt 95%, có 18% lực lượng lao động được đào tạo và có tay nghề. Hàng năm có gần 20.000 lao động được tạo việc, tỷ lệ lao động thiếu việc làm giảm đáng kể. Hiện nay tỉnh duy trì 100% số xã có bác sĩ; trên 80% gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an toàn giao thông được quan tâm thực hiện. Môi trường của Cà Mau đang là mảnh đất an toàn cho nhân dân và các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
Định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 là:
- Khai thác có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng của tỉnh trong mối quan hệ phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát triển nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các mục tiêu xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị.
- Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá; từng bước hình thành cơ cấu kinh tế Công nghiệp - Ngư nông lâm nghiệp - Dịch vụ. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; ưu tiên phát triển kinh tế thủy sản, công nghiệp chế biến xuất khẩu và dịch vụ-du lịch, là những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, có điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
- Phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế hàng năm cao hơn mức trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, rút ngắn dần khoảng cách về kết cấu hạ tầng so với cả nước.
- Quan tâm phát triển kinh tế xã hội nông thôn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn; từng bước xây dựng phát triển đô thị, nhất là thành phố Cà Mau và các khu công nghiệp, cụm kinh tế kỹ thuật để tạo ra mức tăng trưởng kinh tế cao và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.
Tỉnh Cà Mau đang hướng tới một nền kinh tế sản xuất hàng hóa phát triển với cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm khai thác có hiệu qủa mọi tiềm năng, nguồn lực sẵn có. Cà Mau đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 với các mục tiêu:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 11%. Trong đó: Nông-ngư nghiệp tăng 5,45%, công nghiệp-xây dựng tăng 17,9%, dịch vụ tăng 13,5%.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch như sau: Nông-ngư nghiệp 34%, công nghiệp-xây dựng 36%, dịch vụ 30%.
- GDP bình quân đầu người 850 USD, tăng bình quân 9,9%/năm.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 4.650 tỷ đồng, tăng bình quân 7,8%/năm.
- Kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, tăng bình quân 17%/năm.
- Thu ngân sách 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân 14%/năm.
- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,3% vào năm 2010.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2010.
- Giải quyết việc làm mỗi năm 25.000 lao động.
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 90%.
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 90%.
- Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, từng bước phổ cập trung học phổ thông. Hoàn thành chương trình xây dựng kiên cố hoá trường, lớp học.
- Bình quân có 52 bác sỹ và dược sỹ đại học/100 ngàn dân.
- Bình quân có 19 máy điện thoại/100 dân.
- Phát triển các khu công nghiệp: Khu công nghiệp khí-điện-đạm, khu công nghiệp Khánh An, khu công nghiệp phường 8; khu công nghiệp Hòa Trung; khu công nghiệp phường 1 và một số khu công nghiệp ở thị trấn Sông Đốc, Năm Căn v.v..
- Phát triển đô thị: Ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị thành phố Cà Mau đáp ứng yêu cầu mở rộng và chỉnh trang đô thị, tăng cường công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, chuẩn bị các điền kiện để nâng cấp lên đô thị loại II sau năm 2010. Phát triển các đô thị trung tâm huyện lỵ, các đô thị ven biển: Sông Đốc, Năm Căn, Cái Đôi Vàm và một số đô thị khác.
- Phát triển dịch vụ, du lịch: Tập trung xuất khẩu hàng thủy sản có gía trị cao vào các thị trường lớn. Phát triển tuyến du lịch về Mũi Cà Mau, về khu sinh thái rừng, du lịch biển, đảo. Phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, lưới điện và các dịch vụ phục vụ sản xuất-kinh doanh.
- Quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội đồng bộ, tương xứng với phát triển kinh tế, đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
- Quy hoạch phân vùng kinh tế:
Vùng phía Bắc Cà Mau, nhiệm vụ là trồng lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, cây công nghiệp ngắn ngày, khôi phục bảo vệ rừng tràm. Một số diện tích trong vùng đang nuôi tôm tiếp tục phát triển mô hình trồng lúa luân canh nuôi tôm nhằm phát triển bền vững.
Vùng phía Nam Cà Mau, Nhiệm vụ là nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm, luân canh trồng lúa trên đất nuôi tôm, khôi phục bảo vệ rừng ngập mặn, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển và rừng đặc dụng.
Vùng biển, tập trung đánh bắt hải sản, vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí và phát triển du lịch sinh thái ven biển, biển đảo.
Với những điều kiện tự nhiên phong phú, giàu tiềm năng; với truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp; nhân dân có tinh thần lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn đang quyết tâm phấn đấu xây dựng Cà Mau trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh của miền cực Nam Tổ quốc.