Làm gì để thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch trong nước?
Làm gì để thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch trong nước? |
Với lượng khách quốc tế giảm, chỉ đạt mức tăng trưởng 0,6% trong năm 2008, du lịch Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của các đơn vị và đời sống của hàng trăm nghìn lao động trong ngành cũng như nhân dân ở nhiều thành phố, trung tâm du lịch lớn. Ðể hạn chế những ảnh hưởng của tình trạng này, khôi phục mức tăng trưởng và tạo đà phát triển, ngành du lịch đã đề ra những giải pháp cấp bách và lâu dài mang tính kích cầu nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch trong nước. Khôi phục thị trường du lịch Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến người dân các nước phải cắt giảm chi tiêu, do đó nhu cầu du lịch cũng giảm sút. Tình hình đó đã tác động trực tiếp và không thuận tới du lịch toàn cầu, tốc độ tăng trưởng năm 2008 chỉ còn dưới 2% so với năm 2007 và dự báo, không có tăng trưởng trong năm 2009. Khách quốc tế đến các nước trong khu vực như Thái-lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc trong năm vừa qua đều giảm mạnh. Ðối phó với khủng hoảng, ngành du lịch các nước này đã có những phản ứng tức thời với sự can thiệp tích cực của Nhà nước. Chính phủ Thái-lan đã cấp 1,9 tỷ bạt cho các hoạt động xúc tiến cấp bách nhằm giải cứu thị trường du lịch. Hàng không Thái-lan, đưa ra chương trình dành 100.000 vé miễn phí cho các thị trường gần trong thời hạn từ tháng 1 đến hết tháng 3 năm 2009. Singapore bổ sung 40 triệu USD cho quảng cáo thương hiệu và trợ giá 30% cho dòng sản phẩm du lịch MICE và giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch. Ðối với du lịch Việt Nam, từ tháng 6 năm 2008, lượng khách quốc tế đến nước ta đã giảm 4,6% và tháng 11 giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2007. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2008 chỉ đạt khoảng 4,253 triệu lượt, tăng 0,6%. Khách nội địa cũng chỉ khoảng 20 triệu lượt, thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch tạm dừng hoặc giảm tiến độ thi công. Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển gặp khó khăn, thua lỗ. Công suất sử dụng phòng khách sạn giảm mạnh, nhiều khách sạn cao cấp từ 4 đến 5 sao trong những tháng cuối năm chỉ đạt dưới 40% và dự báo sẽ còn thấp hơn nữa trong năm tới do bị khách hàng hủy hàng loạt phòng đặt. Tình trạng hủy tua du lịch đã đăng ký mua cũng khá phổ biến, từ 30 đến 40%, thậm chí có doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị khách hàng hủy tới 60% số tua đã đặt cho quý 1 năm 2009. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, đầu mối chính tiếp nhận và phân phối khách đến các cơ sở, dịch vụ khác, đã chọn giải pháp chờ thời. Hậu quả cộng hưởng trước mắt là hàng nghìn lao động trực tiếp (theo cách tính của Tổ chức Du lịch thế giới, một lao động trực tiếp bằng 2,2 lao động gián tiếp) trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc và kéo theo một số lượng lớn lao động gián tiếp cũng bị mất việc làm. Từ tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế vừa qua và từ những biến động đã từng ảnh hưởng đến phát triển của du lịch Việt Nam và khu vực như dịch bệnh, chiến tranh, an ninh xã hội, v.v, có thể thấy, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ dễ bị tác động của các yếu tố phát sinh, nhất là các yếu tố từ bên ngoài. Khi có các giải pháp kịp thời, đồng bộ, với kinh phí không lớn, được tổ chức thực hiện quyết liệt thì du lịch sẽ sớm phục hồi và khả năng thu hồi vốn nhanh, đồng thời là một trong những biện pháp góp phần tích cực ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chính là phát triển xuất khẩu tại chỗ, tăng thu ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thanh toán và giảm thiểu lạm phát. Khuyến khích du lịch nội địa sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, tăng lưu chuyển và hiệu quả sử dụng vốn trong xã hội. Du lịch phát triển sẽ tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, tạo nhiều việc làm mới và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trước tình hình hiện nay, dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, hàng không, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và đại diện một số bộ, ngành liên quan đã họp bàn, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Các doanh nghiệp cũng thống nhất thiết lập các nhóm đối tác, định dòng sản phẩm thích hợp với từng thị trường để liên kết cùng giảm giá và hợp tác tổ chức khai thác. Tuy nhiên, kinh nghiệm khắc phục hậu quả khủng hoảng đối với du lịch trước đây cho thấy, ngoài nỗ lực chung của khu vực kinh doanh, vai trò của Nhà nước mang tính chất quyết định trong kiểm soát tình hình, chặn đà suy giảm, khôi phục và duy trì tăng trưởng. Chính phủ đã có Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm nhóm giải pháp đó, du lịch được xếp ở nhóm giải pháp thứ nhất và liên quan mật thiết tới nhóm giải pháp thứ hai. Triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một mặt, quán triệt rõ quyền lợi tự thân của khu vực kinh doanh; mặt khác, vì lợi ích quốc gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực, phát huy lợi thế so sánh có được, đã ban hành chương trình hành động với các giải pháp cấp bách nhằm thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch trong nước, đồng thời cũng đề ra những giải pháp về lâu dài, phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới. Những giải pháp này đòi hỏi sự liên kết, tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương dưới sự điều hành chung của Chính phủ với mục tiêu chặn đà suy giảm, khôi phục và duy trì tăng trưởng khách du lịch, thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tạo thế và lực cho du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển. Trước mắt phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2009, giữ mức tăng trưởng đạt 5%, tăng lượng khách du lịch trong nước lên 22 triệu lượt, đạt mức tăng hơn 10% với thu nhập từ du lịch là 65 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8%. Chương trình hành động nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức ban hành đã đề cập đến những giải pháp trước mắt và cả về lâu dài với việc thực hiện một chiến dịch khuyến mại lớn, thực hiện đồng bộ trong cả nước, có sự tham gia liên ngành hàng không, thương mại và các dịch vụ có liên quan. Theo chương trình này, từ tháng 1 đến tháng 9, các doanh nghiệp lữ hành sẽ phối hợp các đơn vị khách sạn, vận chuyển và hàng không Việt Nam thực hiện xây dựng và công bố hệ thống sản phẩm du lịch khuyến mại. Trong đó, các khách sạn cam kết giảm giá từ 30% đến 50% (so với giá hợp đồng đã ký với các công ty lữ hành); Hàng không Việt Nam cũng cam kết khuyến mại từ 30% đến 50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tua du lịch khuyến mại. Các nhà dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống, nhất là các cửa hàng, nhà hàng đạt chuẩn du lịch) cũng cam kết đăng ký tham gia chương trình này, giảm giá dịch vụ cho khách du lịch. Các doanh nghiệp sẽ cùng nhau thành lập chín nhóm thị trường, trong đó các thành viên công khai giá cả và hoạt động kinh doanh của mình. Ðây là một tín hiệu cho thấy, các đơn vị kinh doanh du lịch đã nhận thức được sự cần thiết của việc liên kết để tạo ra sức mạnh trong cạnh tranh. Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn đang được chọn xây dựng gấp các tua du lịch khuyến mại điển hình, nhằm thu hút mạnh mẽ khách từ các thị trường chính. Sau đó, trong ba tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch sẽ công bố chiến dịch khuyến mại du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và ngoài nước. Khẩu hiệu của chiến dịch này là "Ấn tượng Việt Nam" (Impressive Vietnam). Hiện tại ở đợt một, có khoảng 37 hãng lữ hành quốc tế lớn, 61 khách sạn, ba hãng vận chuyển, 14 cửa hàng mua sắm đã đăng ký và được lựa chọn tham gia. Sau đợt một, chiến dịch sẽ tiếp tục đợt hai có sự tham gia sâu rộng hơn của nhiều doanh nghiệp du lịch và hàng không, thương mại. Trong đợt một, có 99 sản phẩm du lịch khuyến mại được chào bán, giới thiệu tại các thị trường: Pháp và một số nước châu Âu cùng các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, Australia, Mỹ, v.v. Bên cạnh đó còn có những gói sản phẩm riêng cho du khách trong nước nhằm kích cầu thị trường khách nội địa để bù vào sự thiếu hụt trong kinh doanh của khách quốc tế. Một chiến dịch xúc tiến, quảng bá lớn sẽ được triển khai ở cả trong nước và ngoài nước với các hoạt động cụ thể như khởi động chiến dịch quảng bá trên mạng internet, thiết kế trang thông tin điện tử quảng bá du lịch Việt Nam: Tổ chức quảng bá và giới thiệu chương trình khuyến mại của du lịch Việt Nam trên hệ thống thông tin đại chúng của các thị trường trọng điểm; mời các đoàn hãng lữ hành, báo chí đến khảo sát, giới thiệu về du lịch nước ta. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp các địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch dịp đầu Xuân Kỷ Sửu, các lễ hội du lịch Tây Nguyên với chương trình Festival Hoa Ðà Lạt, Lễ hội cồng chiêng Gia Lai, Lễ hội cà-phê Ðác Lắc, Lễ hội rượu Ðác Nông; cuộc thi pháo hoa tại Ðà Nẵng; Festival biển Nha Trang; Những ngày văn hóa du lịch Mê Công - Nhật Bản ở Cần Thơ; Asia Indoor Game lần thứ 3; Hội chợ thực phẩm và khách sạn tại TP Hồ Chí Minh và chuẩn bị cho các sự kiện cho Năm du lịch Hà Nội 2010. Cùng với chiến dịch nêu trên, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai đồng bộ việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức khảo sát nhằm hình thành các tua du lịch liên quốc gia. Ngành sẽ tăng cường xúc tiến thu hút khách từ các thị trường quan trọng, triển khai chương trình "Ba quốc gia - Một điểm đến" liên kết với du lịch các nước trong khu vực và ASEAN nhằm quảng bá chung về một điểm đến du lịch thống nhất, v.v. Chương trình hành động với các giải pháp kích cầu, khuyến mại, giảm giá của ngành du lịch và các ngành liên quan cho thấy một sự chuyển biến mạnh mẽ. Lần đầu một chiến dịch khuyến mại lớn được thực hiện trong phạm vi cả nước một cách đồng bộ với sự cam kết tham gia của các ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại, hàng không, vận chuyển. Bên cạnh đó, việc được lựa chọn tham gia chương trình khuyến mại quốc gia cũng là sự khẳng định thương hiệu, uy tín và tiềm lực, đồng thời là cơ hội quảng bá cho mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, những giải pháp khuyến mại, giảm giá nêu trên chỉ mang tính tình thế, tạm thời trước mắt. Giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực. Với mục tiêu ổn định và tăng trưởng trong những năm tới, Nhà nước cần hỗ trợ và có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách. Cụ thể là thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các doanh nghiệp lữ hành đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (inbound). Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển đã liên kết, giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách, để hỗ trợ, Nhà nước nên cho phép hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách inbound trong thời hạn hai năm 2009 và 2010. Thủ tục tương tự như chính sách hoàn thuế GTGT đối với các mặt hàng thương mại xuất khẩu khác thời gian trước đây. Như vậy, khi một doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón được một khách inbound, có mức doanh thu giả định là 1.000 USD (không tính chi phí vận chuyển chặng quốc tế và chi tiêu ngoài chương trình đã mua), sẽ được hoàn 100 USD thuế GTGT (10%). Sản phẩm chào bán sẽ cạnh tranh và là động lực thúc đẩy thu hút khách, khắc phục tình trạng suy giảm. Ðể khuyến khích kinh doanh inbound (thực chất là xuất khẩu tại chỗ), đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp này được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giãn thời hạn nộp chín tháng theo chính sách đã có với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; có chính sách cho vay vốn ưu đãi thực hiện cải tạo, nâng cấp có chọn lọc một số dịch vụ và trợ giá đối với các dòng sản phẩm định hướng, có ưu thế nổi trội trong thu hút khách inbound. Trong giai đoạn 2009 - 2010, các doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp các cơ sở lưu trú và cơ sở vui chơi giải trí, nhà hàng dành cho du khách quốc tế và các dự án du lịch còn đang dở dang vì thiếu vốn cũng nên được hưởng chế độ tín dụng ưu đãi. Trong năm 2009, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị Nhà nước giải pháp kích cầu, trợ giá 10% cho các hãng lữ hành quốc tế đối với các hợp đồng đón từ năm khách inbound, có chương trình tua từ năm ngày trở lên (trong đó có bốn đêm nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch trong ba tháng tới và trợ giá 20% cho các doanh nghiệp đón những đoàn khách inbound từ 50 khách trở lên, riêng với dòng sản phẩm du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, khen thưởng, hội chợ, triển lãm) có thể trợ giá tới 30%. Nguồn kinh phí trợ giá được khấu trừ vào tổng số thuế phải nộp của chính các doanh nghiệp lữ hành quốc tế có các dòng sản phẩm này. Bên cạnh hoạt động xúc tiến, quảng cáo do các doanh nghiệp tự làm, ngành du lịch cần Nhà nước hỗ trợ cho chi phí tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn thường niên, các chương trình mở, phát động thị trường ngoài nước (roadshow, presentation...) và hỗ trợ quảng cáo sản phẩm thông qua việc tổ chức các đoàn fam trip, press trip cho các hãng lữ hành, nhà báo chuyên ngành. Ðể kích cầu tiêu dùng thông qua du lịch nội địa, đối với các doanh nghiệp, các đơn vị dịch vụ công, khi tổ chức đi du lịch, nghỉ mát trong nước cho người lao động của các đơn vị đó thì sẽ được Nhà nước (cơ quan tài chính, thuế) cho phép hạch toán toàn bộ khoản tiền đó vào phí, không tính vào lợi nhuận ròng của các đơn vị này khi tính thuế. Chính sách miễn thị thực thực hiện thời gian qua đã có những tác động tích cực, tăng khả năng cạnh tranh quốc gia. Trong thời gian tới, nên tiếp tục chính sách đơn phương miễn thị thực cho công dân những nước là các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Cải cách mạnh thủ tục cấp thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm tra chặt chẽ mức lệ phí cấp thị thực tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước chưa miễn thị thực, giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục cấp thị thực tại các cửa khẩu quốc tế, thực hiện việc cấp trực tuyến qua mạng internet. Về định hướng thị trường và xúc tiến du lịch ngoài nước, theo đề án phục hồi, ngành du lịch sẽ định hướng tập trung nguồn lực xúc tiến mạnh thị trường Trung Quốc. Bởi đây là thị trường gần, chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ thấp; mở rộng khai thác thị trường nội khối ASEAN và các thị trường gần trọng điểm của ASEAN như Hàn Quốc, Nhật Bản; đồng thời cần tăng cường duy trì hình ảnh điểm đến tại các thị trường nguồn có tỷ trọng khách đến Việt Nam lớn như Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia và thị trường Nga đang lên. Thực hiện đồng bộ những giải pháp cấp bách mang tính tình thế và cả các giải pháp về lâu dài không những góp phần ổn định, khôi phục mức tăng trưởng mà còn tạo đà phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong năm 2009 và các năm tiếp theo. Theo Nhân Dân |